Hướng dẫn cách xác định các khoản chi phí lãi vay được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN.
Nội dung bài viết
1. Hiểu đúng về lãi vay
Chi phí lãi vay là các chi phí phát sinh từ hoạt động vay vốn của Doanh nghiệp từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các loại lãi vay gồm:
- Lãi vay ngắn hạn (khoản vay dưới 1 năm).
- Lãi tiền vay dài hạn (khoản vay trên 1 năm).
- Lãi tiền vay trên các khoản thấu chi.
- Lãi suất trái phiếu, nợ chuyển đổi.
- Các chi phí phát sinh trong quá trình làm thủ tục vay được phân bổ trong suốt quá trình vay.
- Chi phí tài chính của tài sản cố định thuê tài chính.
- Lãi suất từ các khoản vay khác.
2. Yêu cầu khi xác định chi phí lãi vay
- Phải phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp
- Doanh nghiệp tồn quỹ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng bằng hoặc hơn khoản vay khi kết toán cần có phương án giải trình hợp lý chứng minh số tiền đi vay và lãi vay là chi phí hợp lý
- Khoản vay được giải ngân và trả lãi cần có hóa đơn chứng từ không được dùng tiền mặt
- Trường hợp vay của cá nhân, Doanh nghiệp khi trả lãi cần khấu trừ 5% để đóng thuế TNCN
- Vay vốn từ phía doanh nghiệp cần có hóa đơn.
3. Chi phí lãi vay không được trừ
- Trường hợp doanh nghiệp chưa góp đủ vốn điều lệ mà số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ chi phí lãi vay phát sinh không được tính vào chi phí hợp lý.
- Trường hợp doanh nghiệp chưa góp đủ vốn điều lệ mà số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu:
- Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay:
Lãi vay không được trừ = Số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.
- Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay:
Lãi vay không được trừ = Tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay.
- Lãi vay trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư thì không được trừ.
- Tiền lãi doanh nghiệp vay của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay thì không được trừ.
4. Chi phí lãi vay được trừ
- Đối với doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ thì chi phí lãi vay phát sinh sẽ được trừ.
- Đối với doanh nghiệp chưa góp đủ vốn điều lệ mà số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu: trường hợp này chi phí lãi vay được trừ được xác định:
Chi phí lãi vay được trừ = Tổng chi phí lãi vay – Chi phí lãi vay không được trừ trong trường hợp này được tính ở mục (3a.)
- Tiền lãi vay của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư không được ghi nhận vào giá trị tài sản, công trình thì được tính vào chi phí hợp lý.
- Lãi suất tiền vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay thì được tính vào chi phí hợp lý.
Bài viết trên là thông tin dành cho câu hỏi các chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN, bạn cần nắm rõ để tránh mất quyền lợi cho Doanh Nghiệp khi hạch toán thuế.